Chuyện vụn vặt tập 3

Xin chào các bạn!

Mình quay trở lại với series “Chuyện vụn vặt” đây.

#1. Chuyện văn tả cảnh

Tôi là người luôn thích đọc các câu chuyện, và khi đọc tôi thường chăm chăm theo dõi diễn biến chính câu chuyện diễn ra, những chi tiết phụ không phục vụ chính vào diễn biến đó tôi đều không thích và đọc lướt qua, và một trong những chi tiết phụ đó thường là những đoạn tả cảnh. Tuy nhiên đã có một bước ngoặc làm tôi thay đổi góc nhìn vào những đoạn văn tả cảnh này. Cụ thể là cách đây mấy năm, có một lần tôi được dịp nghỉ về thăm quê, Bố Mẹ bảo tôi dọn dẹp đống sách cũ ở nhà, đây là một công việc thú vị, quá trình dọn dẹp tôi sẽ luôn hứng khởi mở quyển này đọc một tí, lật quyển kia xem một tí, sẽ luôn có vài quyển sách hút tôi vào đọc liên tù tì mà quên đi mình đang ngồi giữa đống sách cũ bụi bặm chưa được dọn xong kia. Và lần đó tôi đã được đọc lại bài “Hai cây phong” một trích đoạn của truyện “Người thầy đầu tiên” in trong sách giáo khoa cấp 2, tôi cảm thấy lời văn tả cảnh trong bài đó rất đẹp, đẹp tới nao lòng. Trước kia khi đi học tôi chẳng thấy trích đoạn đó có gì hay, nhưng bây giờ tôi lại thán phục từng lời văn của tác giả và người dịch. Từ đó về sau, tôi đã biết rung động trước những đoạn văn tả cảnh đẹp trong các tác phẩm khác. Tôi tự hỏi vì sao lại thế? Tại sao mình lại có sự chuyển biến về cảm nhận này?

 Tôi nghĩ đó là do thời gian. Thời gian làm tôi trưởng thành hơn, nhìn nhận và quan sát cuộc sống ở nhiều góc độ hơn, và có gì đó lắng đọng hơn trước kia. Nó làm tôi có thể tưởng tượng và hòa vào từng khung cảnh mà tác giả đang dẫn dắt, như những cơn gió rì rào, một cánh đồng hay núi rừng bạt ngàn, một mái đình, dòng hương khói, sự bình yên hay thanh thản của người viết ở giữ khung cảnh ấy. Bởi vì tôi đã có chút lắng đọng khi biết đứng lại quan sát, cảm nhận và lắng nghe từng nhịp thở cuộc sống khi ngang qua một khu chợ ồn ào đông đúc nào đó, chứ không phải lúc nào cũng chăm chăm lướt qua và chỉ theo đuổi những suy nghĩ trong đầu, những lo lắng của tương lai mà quên đi hiện tại. Bởi vì đã có chút khả năng quan sát hiện tại, ghi nhớ những tâm tình ở thời điểm đó trong đầu nên bắt đầu biết chút cảm nhận tâm tình của người khác khi họ miêu tả những phong cảnh. Đó là lúc tôi biết thì ra phong cảnh có mang hơi thở của sự sống và vì thế nó cũng mang trong mình một câu chuyện nào đó.  

#2. Nguyên tắc “integrity”

Tôi nghĩ ai làm người cũng đặt ra cho mình một vài nguyên tắc nào đó, tuy không thể bắt buộc mọi người phải tuân theo nhưng đều ngầm kỳ vọng họ sẽ không phạm phải những nguyên tắc đó của mình. Một trong những nguyên tắc của tôi là “integrity”. Khái niệm “integrity” này tôi không biết dịch ra nghĩa tiếng Việt như thế nào cho hợp lý, nhưng tôi tạm lý giải nó như thế này: những gì mình đã hứa thì ráng làm cho đúng kết quả và thời hạn, nếu vì lý do khách quan nào đó không thể đúng như với đã hứa ban đầu thì phải chốt lại kết quả và thời hạn lần hai mình kỳ vọng hoàn thành, và lần này thì phải hoàn thành xong lời hứa đó.

Tôi ví dụ cụ thể như sau: bạn hứa với người quản lý sẽ thực hiện xong dự án đó trong thời hạn 1 tháng, thì bạn phải ráng hoàn thành xong nó trong vòng 1 tháng; và vì lý do khách quan nào đó mà bạn không thể hoàn thành trong 1 tháng đó, thì phải nói lại cho người quản lý biết là mình không thể hoàn thành đúng hạn và cần thêm 10 ngày nữa, và lần này thì phải hoàn thành trong 10 ngày đó, nếu không thì bạn không được gọi là “integrity”.

Thêm một ví dụ khác nữa là bạn có một cuộc hẹn vào lúc 10 giờ, thì phải ráng có mặt đúng giờ hẹn. Nếu hôm đó bất ngờ rơi vào tình trạng kẹt xe vô cùng nghiêm trọng hơn sự tính toán trước đó làm bạn không thể đến hẹn đúng giờ thì phải báo cho những người trong cuộc hẹn là ước tính khoảng 15 phút nữa mới có mặt, và lần này bạn phải thực hiện đúng như đã hứa là 15 phút nữa có mặt.

Trong cuộc sống tôi gặp rất nhiều lần và rất nhiều người phạm phải nguyên tắc “integrity” này của tôi. Họ hẹn với tôi nhưng đến muộn, khi biết có thể đến muộn nhưng họ chẳng báo thời gian ước tính bị muộn cho tôi, để tôi chờ đợi trong vô vọng. Nhiều người khi tôi gọi điện hỏi thì cứ bảo “chờ chút nữa” hoặc “sắp đến rồi”, tôi không chấp nhận câu trả lời này, bởi vì cái “chút” và “sắp” của họ không có thời gian cụ thể là 5 phút hay 10 phút, cái “chút” và “sắp” của họ có thể kéo dài ra vô vọng. Tôi thà biết mình sẽ chờ 30 phút hay 1 tiếng còn hơn là không biết mình chờ tới lúc nào.

Tôi vô tình đọc trong quyển sách nào đó nói rằng tội ăn cướp là một tội nặng đối với người theo đạo Do Thái, trong đó có tội ăn cướp thời gian của người khác. Tất nhiên tôi không theo đạo Do Thái nhưng tôi luôn sợ phạm phải tội ăn cướp thời gian của người khác này. Trong các cuộc hẹn, tôi luôn cố gắng đi đúng giờ và đem theo 1 cuốn sách để phòng ngừa người khác đến muộn cần chờ đợi, tôi sẽ lấy nó ra đọc để vờ mình đang có việc để làm và đồng thời để cho người đến muộn không phạm phải tội ăn cướp thời gian của tôi. Tuy nhiên có một số lần tôi khó đem sách theo, “Ok, fine”, có điện thoại làm cứu cánh nhưng đôi khi tôi chờ đợi lâu trong vô vọng (nghĩa là không được báo lại thời gian dự đoán sẽ muộn) tới nỗi điện thoại muốn hết pin, đó là lúc tôi thất vọng nặng nề với người trong cuộc hẹn đó. Họ vừa phạm nguyên tắc “integrity” của tôi và vừa ăn cướp thời gian của tôi.

Sài Gòn – 7:29 pm, 02/06/2021 – những ngày lầy lội dự án, viết để nhắc nhở bản thân.

Leave a comment