Người tốt và người xấu

 

Chào các bạn,

Tôi đã đi làm hơn 1 năm ở môi trường công sở tại Việt Nam, điều làm tôi bối rối là nên đối xử mọi người như thế nào cho đúng. Bởi vì tôi không biết ai là người tốt và ai là người xấu. Trong mặc định của tôi, người tốt thì tôi sẽ ủng hộ, giúp đỡ để họ phát huy. Còn người xấu thì như những con quái vật, nên bị loại bỏ để môi trường làm việc trong sạch (đôi khi tôi cũng sợ khi mình đấu với quái vật thì mình trở thành quái vật lúc nào không hay nữa, bị biến chất theo họ luôn đấy).

Trước khi đi làm, tôi vẫn luôn có tự do lựa chọn cách thức giao tiếp với mọi người, ai sẽ là bạn bè, ai sẽ là người tôi tránh xa. Trong tôi vẫn luôn có kiểu tư duy trẻ con từ thời đọc truyện cổ tích hay khi lớn lên coi phim ảnh, đó là nơi người ta luôn đóng khung cho ai đóng vai thiện và ai sẽ đóng vai ác, nó luôn dạy tôi sẽ nên làm việc gì để thành người tốt và làm những việc gì thì sẽ thành người xấu. Thường thì sẽ có sự tách bạch rõ ràng giữa các nhân vật. Tức là vai thiện thì luôn tốt, vai ác thì luôn xấu. Có khác chăng là vai ác đôi khi cũng sẽ đối xử tốt với một số người nhất định và luôn xấu xa với một sốngười nhất định khác. Không có sự lẫn lộn – lúc tốt lúc xấu với cùng một người.

Do đó, từ lúc đi học hay còn ở môi trường học thuật, tôi sẽ luôn phân định ra làm 2 nhóm người, một nhóm tôi thích – sẽ thân thiết, giữ mối quan hệ, một nhóm khác tôi không thích – tôi sẽ giữ khoảng cách. Tôi không thích họ thường thì do đặc điểm tính cách khác nhau, chứ không phải do họ xấu xa, do tôi biết họ sẽ có nhóm đối tượng hợp với họ, và họ sẽ đối tốt với những người đó. Miễn biết họ có đối tốt với một ai đó thì tôi vẫn cho họ vào nhóm người tốt. Cuộc sống luôn phong phú, tôi phải luôn tôn trọng sự đa dạng tính cách của thế giới loài người này. Tôi luôn tự nhủ như thế.

Nhưng từ khi đi làm, thế giới quan của tôi có sự đảo lộn nhẹ. Mối quan hệ với đồng nghiệp là mối quan hệ tôi không thể luôn giữ khoảng cách với người tôi không thích được, nhiều trường hợp bắt buộc phải hợp tác. Vậy nên tôi phát hiện, cùng một người lúc thì họ đối tốt với tôi, làm tôi thấy cảm ơn; có lúc họ lại đóng vai người xấu với tôi, làm tôi thấy ghét và bực mình. Kiểu người tôi hay nói đùa là “kiểu nửa nạc nửa mỡ”. Người như thế thì tôi nên phân vào vai thiện hay vai ác? Tôi nên đối xử với họ như thế nào? Vui vẻ thoải mái hay lạnh lùng, bất hợp tác? Tôi khá là bối rối trong trường hợp ứng xử với kiểu người này, đúng ra thì hơi sợ hãi. Bởi vì nhiều khi mình đang thoải mái, cởi mở lúc người ta bật chế độ người tốt, thình lình họ bật chế độ người xấu, đâm một cái làm trở tay không kịp. Những lúc như thế chỉ thấy uất ức lắm. Trở mặt thì không được, vì họ có lúc cũng là người tốt mà – không phủ định hoàn toàn bản thân họ được, tiếp tục thân thiết thì khó chịu và sợ cú đâm tiếp theo.

Rồi thì tôi ngộ ra, ừ thì chúng ta ai cũng thế, rơi vào một số hoàn cảnh, chúng ta theo bản năng sẽ vì lợi ích của mình trước tiên. Có những hoàn cảnh làm chúng ta khó hành động theo chính nghĩa hay lương tâm, mà đẩy chúng ta vào con đường – vì bản thân trước tiên, hậu quả thì người khác gánh. Chúng ta hiếm khi thể hiện nhất quán từ đầu đến cuối luôn làm người tốt hay luôn làm người xấu. Có lẽ đáng giá hay không là sự tự kiểm soát bản thân làm việc tốt và xấu của mỗi người, mỗi ngày trôi qua chúng ta làm việc tốt nhiều hơn và làm việc xấu ít hơn so với bản thân ở quá khứ? Đáng giá là ở chỗ chúng ta sẽ có sự học hỏi, trau dồi bản thân, và ít thấy áy náy lương tâm khi nghĩ về bản thân mình hay chăng? Càng nhiều việc tốt về sau là người tốt, càng ngày càng làm việc xấu là người xấu?

Tôi không biết nữa, chỉ mong mình đừng bao giờ trở thành quái vật, trở thành kiểu người mà tôi ghét ở thời điểm hiện tại.

Sài Gòn – 12:42 a.m, 14/04/2020 – mùa dịch Covid-19 với nỗi lo nhân sinh

Leave a comment